Mô hình nuôi heo đất tiết kiệm của Chi hội phụ nữ thôn Trà Long.
Mô hình heo đất tiết kiệm được Chi hội phụ nữ thôn Trà Long (xã Bình Trung) xây dựng và duy trì từ nhiều năm qua. Hằng quý, các chị em hội viên lại đập heo đất kiểm tiền. Số tiền góp và tiết kiệm này sau khi họp tổ xét sẽ giải quyết cho vay, mượn, hội viên nào gặp khó khăn hơn sẽ được ưu tiên.
Bà Nguyễn Thị Hiền ở tổ 2, thôn Trà Long cho hay, nhiều chị em khó khăn, thiếu vài triệu đồng nộp học cho con hay mua phân bón, thuốc bảo vệ thực vật để đầu tư vụ mùa thì vay trước không lấy lãi. Chưa kể, vào các dịp 8.3 hay 20.10, chị em còn trích lại một khoản để họp mặt, ăn uống sinh hoạt cùng nhau.
Ngoài mô hình heo đất tiết kiệm, Chi hội phụ nữ thôn Trà Long còn có nhóm giúp công, nhóm góp vốn quay vòng, nhóm tiết kiệm tín dụng bằng cách góp mỗi ngày 5 - 10 nghìn đồng/hội viên, có nhóm góp mỗi tháng 50 - 100 nghìn đồng; cũng có nhóm tiết kiệm góp theo mùa, mỗi mùa góp 100 - 200 nghìn đồng/hội viên.
Bà Nguyễn Thị Hồng - Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ thôn Trà Long cho biết, hiện nay 9/9 tổ phụ nữ có 219 hội viên nòng cốt trong phong trào. Chi hội đã xây dựng được 15 nhóm góp vốn tiết kiệm với 315 chị tham gia, số tiền tiết kiệm thu được hơn 80 triệu đồng mỗi năm.
“Tỷ lệ thu hút hội viên tham gia sinh hoạt ở các nhóm đạt 80%. Các chị tham gia mô hình không chỉ gương mẫu đi đầu trong mọi hoạt động phong trào mà còn lôi cuốn, thu hút các hội viên khác tham gia. Hội viên nòng cốt cũng chính là người nắm bắt, phản ánh thông tin chính xác, cụ thể nhất về tình hình hội viên trong chi hội, góp phần giúp chi hội thực hiện tốt các hoạt động của hội và của địa phương” - bà Hồng cho biết thêm.
Nhóm trợ lực phụ nữ phát triển kinh tế ở thôn Bàu Bính (xã Bình Dương) hỗ trợ ngày công thu hoạch đậu phụng.
Thời gian qua, Hội LHPN xã Bình Dương phát động xây dựng nhiều nhóm phụ nữ cùng ngành, cùng sở thích và cùng độ tuổi tham gia sinh hoạt cùng nhau. “Nhóm trợ lực phụ nữ phát triển kinh tế” ở thôn Bàu Bính duy trì nhiều năm nay với 30 thành viên. Nhóm được thành lập trên cơ sở góp công, góp sức để phát triển kinh tế nông nghiệp.
Chị Mai Thị Nữ (thôn Bàu Bính) cho hay, hầu hết chị em trong nhóm đều làm nông, có việc làm quanh năm, do đó chị em trong nhóm thường đổi công. “Vào mùa thu hoạch đậu phụng, mè, khoai lang... chị em trong nhóm tính toán ưu tiên những diện tích cần phải thu hoạch sớm. Ngoài ra, chúng tôi cũng phân chia thành nhiều nhóm nhỏ hơn, từ 3 - 5 người để thuận lợi cho việc đi lại, sinh hoạt của các chị” - chị Nữ cho biết thêm.
Bà Lê Thị Thanh Hà - Chi hội phó Chi hội phụ nữ thôn Bàu Bính cho biết, ngoài mô hình trên, chi hội còn xây dựng mô hình “nuôi heo đất” để giúp phụ nữ nghèo, khó khăn vươn lên trong cuộc sống, năm 2020 thu về 4,6 triệu đồng để tặng quà các chị em. Nhiều năm qua, chi hội còn xây dựng và duy trì 28 nhóm góp vốn quay vòng với 280 thành viên, tổng số tiền góp 280 triệu đồng/tháng, có 295 lượt chị nhận. Nguồn vốn này đã giúp 114 chị phát triển hiệu quả kinh tế, nâng cao đời sống, thoát nghèo bền vững.
Bà Phan Thị Thùy Trang - Chủ tịch Hội LHPN huyện Thăng Bình cho hay, toàn huyện hiện có 91 mô hình trợ lực của phụ nữ về xây dựng gia đình hạnh phúc, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường với 4.205 thành viên tham gia. Trong đó từ đầu năm đến nay, Hội LHPN các xã, thị trấn xây dựng mới 6 mô hình với 266 thành viên.
Bà Trang cho biết thêm, định kỳ các mô hình đều tổ chức sinh hoạt tuyên truyền kiến thức pháp luật, hướng dẫn kiến thức nuôi dạy con, phòng chống các tệ nạn xã hội, bảo vệ môi trường; các thành viên giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, vượt qua khó khăn, hoạn nạn vươn lên trong cuộc sống. Hầu hết các mô hình trong hội viên phụ nữ đã được khảo sát từ trước, tùy theo nhóm độ tuổi, ngành nghề... Vì vậy khi đã xây dựng các chị đều có chung tiếng nói, có chung mục đích hướng đến để duy trì lâu dài.