Quang cảnh hội thảo tại điểm cầu tỉnh.
Điểm cầu chính của hội thảo tại Hà Nội và được truyền trực tuyến với điểm cầu tại Nhật Bản và các tỉnh, thành phố Việt Nam. Tại điểm cầu tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu chủ trì, cùng sự tham dự của đại diện các Sở, ban, ngành của tỉnh.
Đây là Hội thảo lần thứ 3 giữa VPCP và Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam trong lĩnh vực phát triển chính phủ điện tử (hội thảo lần thứ nhất vào tháng 8/2019, lần thứ 2 vào tháng 2/2020) và là một trong các hoạt động hợp tác, hỗ trợ của Nhật Bản dành cho Việt Nam trong lĩnh vực triển khai Chính phủ điện tử.
Tại Hội thảo, các đại biểu của Việt Nam đã thông tin về những kết quả, bài học về công tác cải cách thủ tục hành chính, xây dựng chính phủ điện tử và nhiệm vụ trong tâm năm 2021; mục tiêu phát triển chính phủ điện tử, chính phủ số, nền kinh tế số; các giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển chính phủ điện tử…
Các đại biểu Nhật Bản đã thông tin về những chính sách mới của Thủ tướng Nhật Bản Suga để phát triển chính phủ số và chia sẻ "Kinh nghiệm số hóa dịch vụ công và thủ tục hành chính tại Nhật Bản”; chính sách sử dụng trí tuệ nhân tạo; các nguyên tắc cơ bản trong định hướng hướng tới xã hội số; kế hoạch triển khai quản trị kỹ thuật số; công tác cải thiện căn bản hệ thống mã số định danh cá nhân và hạ tầng kỹ thuật số của Nhà nước và địa phương; việc sử dụng dữ liệu và quản lý chi phí...
Trong năm 2021 và những năm tiếp theo, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xác định phát triển chính phủ điện tử là xu hướng chung của các quốc gia trên thế giới và là dư địa để phát triển kinh tế, nền tảng cơ bản để thực hiện khát vọng hội nhập quốc tế của Việt Nam với quan điểm xuyên suốt là xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử phải bảo đảm gắn kết chặt chẽ giữa ứng dụng công nghệ thông tin với cải cách hành chính, nâng cao tính công khai, minh bạch, đổi mới phương thức phục vụ, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm và sự hài lòng của cá nhân, tổ chức là thước đo quan trọng trong phát triển Chính phủ điện tử.
Phát biểu tại Hội thảo, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng khẳng định: Những thông tin và bài học kinh nghiệm được Nhật Bản chia sẻ rất quý báu trong quá trình chuyển đổi số của Việt Nam. Từ đó, Việt Nam sẽ tiếp tục có những bước đi vững chắc trong triển khai Chính phủ điện tử, góp phần vào sự phát triển của đất nước, sự phồn vinh của dân tộc và quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam – Nhật Bản. Để thúc đẩy phát triển chính phủ điện tử, hướng tới chính phủ số, đồng chí đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần phát huy vai trò người đứng đầu, ưu tiên nguồn lực và gương mẫu đi đầu ứng dụng chữ ký số cá nhân trong xử lý hồ sơ, giải quyết công việc, gửi nhận văn bản điện tử…