CHUYÊN MỤC

Liên kết website

Thăm dò ý kiến

Bạn cảm thấy website của chúng tôi như thế nào ?

Chi tiết tin

A+ | A | A-

Sử dụng mạng xã hội một cách hiệu quả để tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19

Người đăng: Quản trị Ngày đăng: 21:45 | 13/08/2021 Lượt xem: 483

Hiện nay, thế giới vẫn đang đối mặt với đại dịch Covid-19 cùng nhiều thách thức đặt ra cho nền kinh tế toàn cầu. Trong khi đó, Việt Nam cũng trải qua 3 đợt “sóng” Covid-19, và đang phải căng mình chống lại đợt “sóng” thứ tư với sự phức tạp và hiểm nguy tăng lên rất nhiều do chủng Delta gây nên.

Cho đến nay, dịch bệnh Covid-19 đã gây nên những tổn thất nặng nề về kinh tế- xã hội và sức khoẻ, tính mạng người dân; song, không thể phủ nhận những thành tựu to lớn mà chúng ta đã đạt được trong cuộc chiến chống Covid-19. Những thành tựu đó đã được thế giới ghi nhận và đánh giá cao. Để có được kết quả đó là do rất nhiều yếu tố như: Sự lãnh đạo chỉ đạo kịp thời của Đảng, Nhà nước, năng lực của ngành y tế, tinh thần đoàn kết, đồng lòng của các tầng lớp nhân dân, vai trò của công tác truyền thông…

     Việt Nam hiện có khoảng 72 triệu người sử dụng mạng xã hội, tương đương 73% dân số. Với rất nhiều tính năng được tích hợp bên trong, mạng xã hội đang trở thành nơi chia sẻ thông tin của người sử dụng một cách dễ dàng và nhanh chóng. Do đó, trong thời gian đại dịch, mạng xã hội được xem là “cây cầu” kết nối giữa mọi người, đặc biệt khi các tỉnh, thành đang triển khai lệnh phong tỏa theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Mạng xã hội, dù trong nhiều trường hợp không phải là một kênh thông tin tuyên truyền chính thống, nhưng trong truyền tải thông tin về phòng, chống dịch đã có những đóng góp tích cực. Những câu chuyện đẹp, những hình ảnh cảm động đã được truyền đi nhanh hơn, giúp mọi người vững tin hơn vào sự tử tế của đại bộ phận trong xã hội chúng ta… Thông qua mạng xã hội hình ảnh những “ATM gạo”, các “gian hàng 0 đồng”, “chuyến xe nghĩa tình”, khung avatar đính kèm lời nhắc nhở 5K, thông điệp tri ân tuyến đầu chống dịch, lời kêu gọi cùng nhau cố gắng, cùng hoạt động hết công suất của các nhóm thiện nguyện trong những ngày qua không những chỉ có tác dụng giúp mọi người xích lại gần nhau hơn, yêu thương nhau hơn mà còn kích thích, nảy nở lòng nhân hậu, bao dung của mọi người. Các thông tin về số ca nhiễm, số tiền ủng hộ, số người tử vong vì dịch bệnh, các thông tin liên quan đến vaccine liên tục được cập nhật đã giúp mọi người hình dung đầy đủ hơn về dịch bệnh.

     Tuy nhiên, bên cạnh những thông tin tích cực, trên mạng xã hội cũng tồn tại việc một số cá nhân, tổ chức “lợi dụng” quyền tự do ngôn luận, cung cấp những thông tin sai trái, thậm chí, có những thông tin xuyên tạc, gây hại đến trật tự an toàn xã hội, an ninh quốc gia. Đặc biệt, từ khi dịch bệnh Covid-19 xảy ra, đã có rất nhiều tin giả về dịch bệnh được phát tán trên các mạng xã hội. Những ngày gần đây, lượng tin giả phát tán trên mạng có dấu hiệu gia tăng. Nội dung các tin giả chủ yếu là kích động vùng miền, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc; tung tin sai sự thật về diễn biến dịch bệnh tại các điểm nóng (như TP Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Nam); xuyên tạc về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh của Chính phủ và các địa phương... Mạng xã hội xuất hiện hàng loạt “chuyên gia dịch tễ online”, “bác sĩ online”, “chuyên gia y tế” với những bài thuốc, những hướng dẫn, những chỉ bảo không có cơ sở khoa học. Các thông tin xuyên tạc, xấu độc chống phá công cuộc phòng chống dịch cũng tràn lan… Đây thực sự là những thông tin vô cùng nguy hại bởi trong khi cả nước đang căng mình chống dịch, những tin giả, tin đồn, tin thất thiệt về dịch bệnh làm cho tình hình xã hội thêm phức tạp, gây hoang mang, bức xúc trong dư luận xã hội và làm cho cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 thêm khó khăn.

Tăng cường xử lý tin giả, tin sai sự thật trên mạng xã hội

 

     Tất nhiên, các tin giả, tin xấu tác động, ảnh hưởng tiêu cực tới cộng đồng đã được các cơ quan chức năng nhanh chóng xử lý. Cách khắc phục kịp thời, xử lý nghiêm khắc của các cơ quan có trách nhiệm đối những trường hợp này và sau đó việc công bố rộng rãi trên các phương tiện truyền thông đại chúng đã giúp người dân hiểu rõ hơn, tin tưởng hơn vào các chủ trương, chính sách, biện pháp chống dịch của chính quyền các cấp.

     Hiện nay, mạng xã hội với tính năng kết nối nhanh, chia sẽ rộng, nhưng hầu hết không có cơ quan chủ quản nên thông tin trên mạng xã hội vẫn là tự phát, không được quản lý chặt chẽ, cho nên bình tĩnh để đưa tin và tin theo mạng xã hội cũng cần được quan tâm trong lúc này. Vì vậy, trong thời gian tới, cần phát huy vai trò của các cấp, các ngành, các cơ quan chức năng, đặc biệt là các cơ quan báo chí, truyền thông trong việc cung cấp kịp thời thông tin chính thống, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, kiến thức về dịch Covid-19 cho nhân dân. Khi nhận thức đúng, có đủ kiến thức cần thiết người dân sẽ bình tĩnh, không nhẹ dạ, cả tin, hoang mang trước những thông tin chưa được kiểm chứng trên mạng xã hội. Mặt khác, thông qua công tác tuyên truyền, giáo dục giúp cho người dân am hiểu hơn về pháp luật, nắm rõ về các chế tài xử lý đối với hành vi tung tin giả, tin thất thiệt và những biểu hiện lơ là, chủ quan, thực hiện không nghiêm các quy định về phòng, chống dịch Covid-19… để tự giác chấp hành. Đồng thời, để phát huy tối đa sức mạnh của mạng xã hội trong phòng chống dịch bệnh Covid-19, chúng ta phải trở thành những người tham gia mạng xã hội thông minh để chia sẻ những thông tin chính thống, tránh việc đưa tin hoặc bình luận theo kiểu cảm tính, chặt chém nhau… Kịp thời, chính xác để cùng nhau chủ động nắm bắt thông tin với một tinh thần hiểu biết, đoàn kết là trách nhiệm của mỗi chúng ta để chung tay đẩy lùi dịch bệnh.

Tác giả: Trung Hiếu

Nguồn tin: T.H

Các tin mới hơn:

Các tin cũ hơn: