Ông Nguyễn Văn Hào (sinh năm 1929) vào bộ đội khi vừa tròn 18 tuổi. Khi ấy, ông tham gia vào đoàn du kích địa phương ở xã Bình Quế. Năm 1948, ông Hào được kết nạp vào Đoàn Thanh niên cứu quốc, rồi được tham gia chiến đấu chống Pháp ở Tiểu đoàn 77, Quân khu V. Năm 1950, ông Nguyễn Văn Hào được kết nạp vào Đảng. Năm 1956, ông được đơn vị cử đi học lái xe tại Công ty vận tải kiến trúc (Hà Nội ) 9 tháng. Sau đó, ông được điều động về tham gia lái xe cho Đoàn 559 – Tổng Cục hậu cần trên tuyến đường Trường Sơn từ Quảng Bình ra Bắc. Suốt từ năm 1957 đến năm 1971, những năm tháng ác liệt nhất của cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước, ông trực tiếp cầm lái xe vận tải trên tuyến đường Trường Sơn, đối mặt với sự đánh phá ác liệt của không quân Mỹ.
Ông Hào nhớ lại: “Có nhiều chuyến, máy bay Mỹ càn quét khủng khiếp, chúng phá nát tuyến đường vận chuyển, tiếng mảnh bom rơi, tiếng đạn nổ rền vang cả một góc trời. Lúc ấy, chúng tôi tạm thời nấp vào những chiến hào ven đường, đợi khi chúng rút đi, chúng tôi lại mở đường, tiếp tục đi. Ông Hào tâm niệm, đã là người lính cụ Hồ, người đảng viên thì phải giữ đúng lời thề “trung với Đảng, hiếu với dân, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, kẻ thù nào cũng đánh thắng”,nhiệm vụ của những người lính lái xe Trường Sơn như ông là vận chuyển vũ khí, lương thực cho tiền tuyến thì càng phải kiên cường. “Khoảng vào năm 1968, trong một trận càng của lính Mỹ, tôi và một anh thợ lái ở trong buồng lái, bên ngoài máy bay Mỹ quần khiếp lắm, tôi bị một mảnh bom găm vào tay, một viên đạn vào chân trái, giờ viên đạn đó vẫn còn” - ông Hào kể.
Năm nay đã 91 tuổi, tai đã không còn nghe rõ nhưng đầu óc ông vẫn còn rất minh mẫn. Những câu chuyện về thời chiến, trên những tuyến đường Trường Sơn hiểm trở nhưng đầy hào hùng được ông kể một cách chân thực, sống động như những thước phim. “Ngày đó, cũng vào năm 1968, cứ như thường lệ, tôi và anh Độ (quê ở Thái Bình) sẽ thay phiên để lái xe. Tối đó là phiên lái của tôi nhưng tôi bị sốt nên anh Độ tiếp tục lái. Một quả bom được lính Mỹ cài sẵn trên đường phát nổ. Anh Độ không về nữa. Lẽ ra đó là tôi.” - khóe mắt cụ ông hơn 91 tuổi rưng rưng kể.
Nghề lái xe trong chiến tranh luôn đối diện với bao hiểm nguy rình rập, vậy nhưng trong ông Hào vẫn ánh lên niềm tự hào của người lính Trường Sơn. Ông kể, vui nhất, tự hào nhất là 2 lần được gặp Bác Hồ. Nói là “gặp” cho oai vậy thôi chứ chỉ được thấy Bác từ xa. Một lần là trong lễ duyệt binh năm 1955 và 1 lần, là vào dịp Bác về thăm Khu công nghiệp Việt Trì (Phú Thọ) năm 1959. Chỉ được thấy Bác từ xa như vậy thôi nhưng ông cho biết mình cảm thấy rất hạnh phúc và vô cùng tự hào.
Ảnh: Những cuốn sách về Bác Hồ luôn được ông gìn giữ và đem ra đọc mỗi khi rảnh rỗi.
Trở về sau chiến tranh, ông tham gia đảm nhiệm vai trò Xã đội trưởng xã Bình Quế (Thăng Bình) một thời gian rồi nghỉ. Nhờ những thành tích trong chiến tranh, ông được Nhà nước trao tặng Huân chương Kháng chiến hạng nhất năm 1986 và nhiều huân huy chương cao quý khác. Trên bàn thờ tổ tiên, tấm ảnh chân dung Bác Hồ và những huân chương được Đảng, Nhà nước trao tặng, được ông Hào đặt ở vị trí trang trọng. Cuốn sách Bác Hồ viết di chúc và di chúc của Bác Hồ cũng được ông lưu giữ cẩn thận. “Ngày trước thì tôi đọc 3 ngày hết một phần, giờ thì mắt kém, phải một tuần mới hết một phần như thế. Tôi đã đọc đi đọc lại cuốn di chúc Bác viết không biết bao nhiêu lần, mỗi lần đọc lại như ứa nước mắt’ - ông Hào xúc động cho biết.
Ông Nguyễn Thanh Long - Bí thư Đảng ủy xã Bình Quế cho biết ông Nguyễn Văn Hào là một trong những đảng viên lớn tuổi nhất của Đảng bộ xã, là người rất có uy tín và trách nhiệm ở địa phương. “Chúng tôi là thế hệ sau, nhưng mỗi lần nghe thế hệ trước kể về quá khứ hào hùng của người lính lái xe Trường Sơn Nguyễn Văn Hào, tuổi trẻ chúng tôi lại thấy tự hào. Tự hào khi quê hương của mình đã sản sinh ra người lính anh hùng, quả cảm. Dù bác Hào năm nay đã lớn tuổi, bác vẫn rất tâm huyết với các phong trào ở địa phương, luôn khuyên răng con cháu sống có ích cho đời và tuân thủ pháp luật” – ông Nguyễn Thanh Long – Bí thư Đảng ủy xã Bình Quế cho biết thêm.